Công an TP. HCM đối thoại trực tiếp về giải quyết thủ tục hành chính
(HMC) - Công an TP HCM đã tổ chức đối thoại trực tiếp về thủ tục hành chính, giải quyết thủ tục hành chính năm 2024. Đại tá Nguyễn Đình Dương, Phó Giám đốc Công an TP. HCM chủ trì hội nghị. Cùng tham dự có đại diện các phòng, ban trực thuộc Công an TP. HCM và hơn 100 người dân trên địa bàn.
Thông tin liên quan đến Luật Căn cước năm 2023, Thượng tá Nguyễn Ngọc Hải, Phó Trưởng Phòng Quản lý Hành chính về Trật tự xã hội (PC06) - Công an TP. HCM cho biết, đối tượng cấp căn cước là công dân từ 14 tuổi trở lên; trẻ dưới 14 tuổi cũng được cấp căn cước theo nhu cầu. Những căn cước còn hiệu lực, người dân vẫn sử dụng bình thường và nếu cần bổ sung thông tin, người dân có thể liên hệ Công an TP HCM hoặc công an gần nhất.
Thượng tá Nguyễn Ngọc Hải cho biết, tại điều 15 của Luật Căn cước quy định về thông tin trong cơ sở dữ liệu căn cước, ngoài những thông tin cơ bản về nhân thân, lai lịch còn có thông tin về nhân dạng, thông tin về sinh trắc học. Thông tin về sinh trắc học gồm có ảnh khuôn mặt, vân tay, mống mắt, ADN, giọng nói.

Dữ liệu về mống mắt có tính chính xác cao, rất phù hợp với xu hướng chuyển đổi số trên thế giới và Việt Nam hiện nay khi các giao dịch điện tử được mở rộng, là lĩnh vực chủ yếu cho các thiết bị thông minh. Kết hợp với các yếu tố sinh trắc là cơ sở triển khai hiệu quả Luật Giao dịch điện tử (với các thiết bị di động hiện nay rất ít được trang bị module về đọc, xác thực vân tay) nên việc thu thập thông tin sinh trắc bắt buộc là rất cần thiết và phù hợp với xu hướng chuyển đổi số hiện nay. Việc thu thập thông tin sinh trắc giúp cho người dân tiện lợi trong việc thanh toán, di chuyển qua các cửa kiểm soát của máy bay, ga tàu.
Ngoài ra, Luật Căn cước năm 2023 cũng hỗ trợ cấp giấy chứng nhận căn cước cho nhiều người Việt Nam vì nhiều nguyên nhân mà chưa xác định được quốc tịch, không có giấy tờ để sử dụng đi học hành, thuận tiện cho công tác quản lý hành chính.
Về những vấn đề liên quan đến hộ chiếu, Thượng tá Nguyễn Đức Nghiệm, Phó Trưởng Phòng Quản lý Xuất nhập cảnh (PA08) Công an TP. HCM cho biết, 100% hồ sơ hộ chiếu bằng hình thức trực tuyến cổng dịch vụ công, song với đó, tại trụ sở cơ quan này vẫn có bộ phận hướng dẫn người dân thực hiện thủ tục trực tuyến. Việc thao tác trên cổng dịch vụ công về cấp hộ chiếu rất dễ, có hướng dẫn cụ thể, rõ ràng và không khó.
“Theo quy định thì sau khi tiếp nhận hồ sơ thì 8 ngày sẽ có hộ chiếu” - Thượng tá Nguyễn Đức Nghiệm chia sẻ.

Phát biểu tại hội nghị, Đại tá Nguyễn Đình Dương, Phó Giám đốc Công an TP. HCM khẳng định, người dân có thắc mắc cần tháo gỡ đối với các thủ tục hành chính có thể phản hồi, góp ý đến các cơ quan chuyên môn và sẽ được hỗ trợ cặn kẽ.
Đồng thời, đề nghị các đơn vị trực thuộc phải xem việc giải quyết thủ tục hành chính cho người dân là nhiệm vụ trọng tâm, giải quyết mọi thắc mắc, hỗ trợ tốt nhất cho người dân trong các vấn đề này. Chúng tôi mong muốn nhận được sự hỗ trợ, góp ý từ người dân và doanh nghiệp.
Tại hội nghị, người dân quan tâm nhiều đến việc cấp căn cước công dân, làm hộ chiếu mới, đăng ký lưu trú cho khách qua đêm ở nhà nghỉ, khách sạn, liên quan đến việc mua xe cũ, xe thanh lý… Công an TP HCM đã trả lời 20 lượt câu hỏi của người dân.