Kết luận 49 và Nghị quyết 98 - Cơ hội và thách thức cho đường sắt đô thị TPHCM
(HMC) - Chiều 31/8, Ban Quản lý đường sắt đô thị, Công ty đầu tư tài chính nhà nước và Viện nghiên cứu phát triển TP tổ chức toạ đàm “Kết luận 49 và Nghị quyết 98 - Cơ hội và thách thức cho đường sắt đô thị TPHCM”. Toạ đàm nhằm thảo luận, làm rõ các đề xuất thực hiện mục tiêu tại Kết luận số 49 và Nghị quyết số 98, góp phần vào công tác tham mưu UBND TP trong cập nhật xây dựng Đề án phát triển hệ thống đường sắt đô thị TPHCM theo kết luận số 49-KL/TW ngày 28/2/2023 của Bộ Chính trị về định hướng phát triển giao thông vận tải đường sắt Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Chủ trì toạ đàm gồm Tổng giám đốc Công ty đầu tư tài chính nhà nước Lê Ngọc Thuỳ Trang; Phó Viện trưởng Viện nghiên cứu phát triển Trương Minh Huy Vũ; Phó trưởng Ban phụ trách Ban quản lý Đường sắt Đô thị Nguyễn Quốc Hiển. Tham dự toạ đàm có Phó Vụ trưởng Giám sát thẩm định - Bộ kế hoạch và đầu tư Đỗ Ngọc Long; Nguyên Thứ trưởng Bộ kế hoạch và Đầu tư Đặng Huy Đông; lãnh đạo, chuyên viên Cục đường sắt Việt Nam, Cục Quản lý đấu thầu, Cục Quy hoạch phát triển đất đai, Vụ các vấn đề chung về xây dựng pháp luật, các Ban quản lý dự án trực thuộc bộ GTVT,…

Theo Phó trưởng Ban phụ trách Ban quản lý Đường sắt Đô thị Nguyễn Quốc Hiển, Nghị quyết số 98/2023/QH15 là cơ hội lớn đối với TPHCM trong phát triển hạ tầng giao thông đô thị nhằm hiện thực hóa Kết luận 49-KL/TW của Bộ Chính trị. Ban Quản lý đường sắt đô thị đã cùng Công ty đầu tư tài chính nhà nước, Viện nghiên cứu phát triển và một số đơn vị thành lập Tổ xây dựng đề án triển khai Kết luận 49 do Chủ tịch UBND TP làm tổ trưởng. Đề án nhằm đưa ra những giải pháp, đề xuất đẩy nhanh quá trình tìm kiếm nguồn vốn, chuẩn bị đầu tư, phê duyệt dự án, triển khai thi công, là cơ sở hoàn thành mục tiêu của Kết luận 49.
“Đây là nhiệm vụ lớn cần huy động nhiều hơn nữa sức mạnh trí tuệ của nhiều cơ quan, đơn vị và chuyên gia. Do đó, tọa đàm được tổ chức với mong muốn được tiếp thu, đón nhận những chia sẻ, góc nhìn từ các đại biểu để điều chỉnh, phát triển giải pháp, xây dựng đề án trên một cách phù hợp và chất lượng, kịp trình Bộ Chính trị trong tháng 12/2023”, ông chia sẻ.

Trình bày về cơ hội và thách thức cho đường sắt đô thị TPHCM, Quyền Giám đốc Ban Chuẩn bị đầu tư Hoàng Ngọc Tuân cho biết, Kết luận 49-KL/TW ngày 28/2/2023 của Bộ Chính trị về định hướng phát triển giao thông vận tải đường sắt Việt Nam đề cập đến việc hoàn chỉnh mạng lưới đường sắt đường sắt đô thị tại TPHCM vào năm 2035. Trong đó, yêu cầu 12 năm tiếp theo, TPHCM phải hoàn thành các tuyến đường sắt còn lại với chiều dài khoảng 200km. Tuy nhiên, thách thức của TPHCM hiện nay là trong 20 năm, TP mới làm được 20km đường sắt đô thị. Như vậy, TP cần phải có cách tiếp cận, cách làm hoàn toàn mới, khác biệt khi triển khai thực hiện các tuyến đường sắt.
Ngày 24/6/2023, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết số 98/2023/QH15 trong đó có một số điểm nổi bật gồm thí điểm mô hình TOD, cơ chế huy động nguồn vốn đầu tư. Đây chính là cơ hội cho TPHCM trong việc xây dựng các tuyến đường sắt đô thị.
Để thực hiện các mục tiêu đề ra tại Kết luận số 49 và Nghị quyết số 98, ông Tuân đề ra 5 nhóm lĩnh vực cần gấp rút triển khai là quy hoạch thu hồi đất và giải phóng mặt bằng; công tác thu xếp nguồn lực tài chính khoảng 25 tỷ USD; công tác chuẩn bị đầu tư; xây dựng tiêu chuẩn, giải pháp công nghệ, tổ chức thi công, cung cấp vật tư thiết bị; xây dựng mô hình tổ chức, quản lý nguồn nhân lực.
Tại tọa đàm, các chuyên gia đã có những ý kiến thảo luận xoay quanh việc triển khai xây dựng các tuyến đường sắt đô thị theo mô hình TOD (mô hình phát triển đô thị theo định hướng phát triển giao thông công cộng), lĩnh vực nguồn lực tài chính. Cụ thể là một số đề xuất về việc quy hoạch chiều dài toàn bộ hệ thống khoảng 400-500 km; thu hồi đất dự án đồng thời với đất quy hoạch TOD; đa dạng hóa nguồn lực tài chính; cơ chế đặc thù rút ngắn thủ tục, thời gian phê duyệt và triển khai; xây dựng tiêu chuẩn chung về công nghệ áp dụng cho hệ thống; xây dựng chiến lược về công tác đào tạo, chính sách thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao;…