Mái nhà chung ấm áp

Đại tá, Nhà báo PHAN TÙNG SƠN - Trưởng Cơ quan Đại diện Báo QĐND tại TPHCM 17/05/2024 08:48

Tại cuộc gặp mặt báo chí trước phiên tòa sơ thẩm xét xử bị cáo Trương Mỹ Lan và đồng phạm, khi nhận được thông tin phiên tòa sẽ giới hạn số lượng thẻ cấp cho phóng viên tác nghiệp, nhiều nhà báo đã bày tỏ băn khoăn, lo lắng. Đúng lúc đó, đại diện Sở Thông tin và Truyền thông TPHCM thông báo, phiên tòa sẽ được kết nối với Trung tâm Báo chí Thành phố.

Phóng viên đến Trung tâm Báo chí sẽ được theo dõi trực tuyến diễn biến phiên tòa, được cung cấp đầy đủ, kịp thời các thông tin, hình ảnh phục vụ cho công tác tuyên truyền. Thông tin ấy, với anh chị em báo chí, chẳng khác gì “ruộng hạn gặp mưa rào”.

Các phóng viên có mặt tại Trung tâm Báo chí TPHCM theo dõi trực tuyến xét xử vụ án Trương Mỹ Lan và đồng phạm. Ảnh: THU HOÀI

Không chỉ ở riêng với phiên tòa vừa diễn ra, mà trong 5 năm qua, Trung tâm Báo chí là điểm hẹn tác nghiệp của phóng viên. Phòng ốc khang trang, đầy đủ tiện ích, trang thiết bị hiện đại, Trung tâm Báo chí đáp ứng đầy đủ mọi nhu cầu tác nghiệp của truyền thông đa phương tiện. Nhờ đó, thông tin về phiên tòa được cập nhật thường xuyên, liên tục, kịp thời trên các phương tiện truyền thông đại chúng, mang đến cho công chúng những góc nhìn đa chiều, khách quan, trung thực về sự kiện. Đó cũng là một trong những cơ sở, căn cứ quan trọng để báo chí chính thống giữ vững vị thế, vai trò định hướng dư luận, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch, lợi dụng vụ án để kích động, xuyên tạc, gây rối an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội…

Câu chuyện tác nghiệp báo chí trong phiên tòa xét xử sơ thẩm vụ án Trương Mỹ Lan và đồng phạm là một trong những dẫn chứng về vai trò, hiệu quả hoạt động của Trung tâm Báo chí TPHCM. Thành lập, đi vào hoạt động từ ngày 05/05/2019, sau 5 năm đồng hành với hệ thống báo chí truyền thông trên địa bàn TPHCM, Trung tâm Báo chí đã trở thành mái nhà chung của các cơ quan thông tấn, báo chí và đội ngũ cán bộ, phóng viên, biên tập viên. Khi địa bàn TPHCM diễn ra các sự kiện quan trọng, dấu ấn của Trung tâm Báo chí càng được tô đậm rõ nét. Trung tâm Báo chí không chỉ là nơi kết nối, cung cấp thông tin, hình ảnh phục vụ hoạt động báo chí mà còn là đầu mối tổ chức các cuộc họp báo, định hướng thông tin, là cầu nối giữa lãnh đạo Thành phố với mạng lưới báo chí truyền thông và công chúng.

Với anh chị em làm công tác quản lý của các cơ quan báo chí Trung ương và TPHCM, kể từ ngày Trung tâm Báo chí đi vào hoạt động, mái nhà chung ở số 255 đường Trần Hưng Đạo, phường Cô Giang, quận 1 đã trở thành điểm hẹn gắn kết tình thân. Bầu không khí làm việc ngày càng chính quy, chuyên nghiệp và ấm áp nghĩa tình.

Vào thứ Sáu hàng tuần (trừ những lúc không tổ chức được vì lý do khách quan), đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý các cơ quan báo chí lại tụ họp dưới mái nhà chung để cùng dự giao ban báo chí. 5 năm qua, hoạt động thường kỳ này đã trở thành một nét đẹp của văn hóa báo chí. Tuần nào, vì lý do nào đó Ban Tuyên giáo Thành ủy, Sở Thông tin và Truyền thông, Hội Nhà báo Thành phố không tổ chức giao ban được, trên nhóm Zalo, anh chị em lại í ới nhắn hỏi nhau: “Tuần này sao không giao ban?”, “Anh em mình sáng mai có gặp nhau không?”, “Hẹn gặp ở Trung tâm Báo chí nhé!”… Bầu không khí thân tình, cởi mở, gần gũi ấy chỉ có được kể từ khi có Trung tâm Báo chí. Về với mái nhà chung, quây quần bên ly trà, tách cà phê thơm ngát trước giờ giao ban, không khí của tình thân, tình đồng chí, đồng nghiệp cứ tỏa lan, ấm áp vô cùng. Nhờ đó, anh chị em gần nhau hơn, hiểu nhau hơn! Các cơ quan báo chí có mối quan hệ gắn kết, hợp tác, phối hợp, hỗ trợ với nhau nhiều hơn. Tất cả vì nhiệm vụ chung!

Tôi đến với Trung tâm Báo chí ngay từ ngày đầu thành lập và gắn bó mật thiết với các hoạt động của Trung tâm trong suốt 5 năm qua. Từ thực tiễn hoạt động chuyên môn và làm công tác lãnh đạo, quản lý báo chí, tôi thấy rõ tính đúng đắn trong định hướng công tác báo chí truyền thông của lãnh đạo Thành phố và tính hiệu quả của mô hình Trung tâm Báo chí.

Trung tâm Báo chí là nơi diễn ra nhiều hoạt động cung cấp thông tin của lãnh đạo Trung ương và Thành phố đến đội ngũ người làm báo. Ảnh: NGÔ BÌNH 

Thực tế cho thấy, ngay từ khi hình thành ý tưởng cho đến khi Trung tâm Báo chí ra đời, dư luận trong giới báo chí đã đặt ra không ít băn khoăn. TPHCM là địa phương đầu tiên trong cả nước xây dựng Trung tâm Báo chí. Những khó khăn, thách thức là không thể tránh khỏi. Trung tâm hoạt động theo mô hình nào; duy trì bộ máy ra sao; hiệu quả trên thực tế sẽ cân đong đo đếm như thế nào? Trong bối cảnh bùng nổ thông tin không gian mạng, cạnh tranh thông tin báo chí ngày càng gay gắt, Trung tâm Báo chí sẽ thể hiện vai trò ra sao?…vv. Rất nhiều những vấn đề đặt ra.

Và quả thực, việc vừa xây dựng, hoạt động, vừa phát triển, hoàn thiện mô hình hoàn toàn không phải là câu chuyện đơn giản, dễ dàng. Thật đáng mừng là sau 5 năm, mặc dù vẫn còn không ít khó khăn, bất cập, nhưng chắc chắn không ai có thể phủ nhận rằng, Trung tâm Báo chí đã trở thành một phần tất yếu của môi trường báo chí ở thành phố đông dân nhất cả nước. Thành phố mang tên Bác với vai trò đầu tàu, luôn là nơi khởi phát, thí điểm các mô hình cho cả nước. Trung tâm Báo chí là một trong những mô hình như vậy. Đặt trong bối cảnh TPHCM đang vận hành các cơ chế, chính sách đặc thù theo Nghị quyết số 98 của Quốc hội, mô hình thí điểm Trung tâm Báo chí càng có ý nghĩa quan trọng.

Thực tế cũng đã chứng minh, trong những hoàn cảnh đặc biệt như công tác truyền thông trong phòng, chống đại dịch Covid-19 hay những sự kiện quan trọng thu hút sự quan tâm của công luận, nếu Thành phố của chúng ta thiếu vắng mô hình Trung tâm Báo chí, việc kết nối, định hướng, chỉ đạo, phối hợp hoạt động giữa lãnh đạo các cấp, các cơ quan chức năng với mạng lưới báo chí truyền thông sẽ rất khó khăn.

5 năm mới chỉ là chặng đường khởi đầu. Để Trung tâm Báo chí phát triển vững mạnh trong thời gian tới, bên cạnh xây dựng cơ sở dữ liệu tác nghiệp của báo chí theo hướng chuyên nghiệp; cần bổ sung, mở rộng chức năng của Trung tâm theo hướng tư vấn, hỗ trợ truyền thông chiến lược, truyền thông chính sách; bồi dưỡng nghiệp vụ; hợp tác truyền thông... Từ đó, mái nhà chung của người làm báo ở thành phố mang tên Bác sẽ đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu đa dạng của hệ thống báo chí, truyền thông trong môi trường số…

Đại tá, Nhà báo PHAN TÙNG SƠN - Trưởng Cơ quan Đại diện Báo QĐND tại TPHCM