Chủ tịch UBND TP. HCM: Siết chặt kỷ cương công vụ để thúc đẩy tăng trưởng
(HMC) - Tại phiên họp về tình hình kinh tế - xã hội tháng 7 và 7 tháng đầu năm chiều 1/8, một trong những vấn đề quan trọng được UBND TP. HCM thảo luận là dự thảo Chỉ thị của UBND TP về nhiệm vụ, giải pháp thúc đẩy tăng trưởng kinh tế TP. HCM đến năm 2025.

Theo ông Trương Minh Huy Vũ, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển TP, các chỉ số trong báo cáo thường kỳ đã chứng tỏ nền kinh tế TP. HCM và cả nước đang phục hồi nhưng vẫn còn nhiều khó khăn.
Theo đó, hiện có 2 kịch bản. Thứ nhất, TP. HCM sẽ giữ mục tiêu tăng trưởng 7,5-8% trong năm nay để tạo tiền đề tăng trưởng 8-8,5% trong năm sau. Kịch bản thứ 2 là TP giữ mức tăng trưởng 7-7,5%. Để đạt được mức tăng trưởng 7,5%, trong quý III, IV, đòi hỏi một sự nỗ lực lớn. Các điểm nghẽn rõ nét vẫn là tỉ lệ giải ngân đầu tư công, khả năng hấp thụ vốn, hay thúc đẩy xuất nhập khẩu còn nhiều vấn đề.
Theo ông Vũ, dựa trên những vấn đề đặt ra, UBND TP. HCM đã có dự thảo Chỉ thị của UBND TPHCM về nhiệm vụ, giải pháp thúc đẩy tăng trưởng kinh tế TP. HCM đến năm 2025. Dự thảo nhằm tập trung điều hành đạt tăng trưởng GRDP năm 2024 ít nhất 7,5% và năm 2025 là 8 - 8,5%; tập trung nâng chỉ số PCI, Par-Index, phấn đấu đạt Top 5 địa phương đi đầu cả nước; phấn đấu đạt tỷ lệ rác sinh hoạt được xử lý bằng công nghệ mới hoặc tái chế là 80%; phấn đấu đạt tổng diện tích nhà ở đạt từ 40 triệu mét vuông (chỉ tiêu Đại hội là 50 triệu mét vuông) và xây dựng ít nhất 26.200 căn nhà ở xã hội (theo chỉ tiêu Chính phủ giao).
Cạnh đó, tăng tỷ trọng kinh tế số, phấn đấu đạt chỉ tiêu theo công bố của Bộ Thông tin và Truyền thông (năm 2024 phấn đấu đạt 22% và năm 2025 là 25%); phấn đấu chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) năm 2024 tăng 6,5%, trong đó 4 ngành công nghiệp trọng điểm tiếp tục là động lực tăng trưởng, với mức tăng cao hơn mức tăng chung của toàn ngành; phấn đấu kim ngạch xuất khẩu của các doanh nghiệp TP qua cửa khẩu TP tăng 10% so với năm 2023.
Chỉ thị nhận định, trong bối cảnh tình hình kinh tế thế giới vẫn còn diễn biến phức tạp, khó đoán định; kinh tế trong nước tiếp tục đối mặt một số thách thức nhất định. Giai đoạn 2024-2025 được xem là giai đoạn then chốt, đóng vai trò thiết yếu trong việc hoàn thành kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm giai đoạn 2021 - 2025. Do vậy đòi hỏi phải có những giải pháp trọng tâm, trọng điểm trong 6 tháng cuối năm 2024 và năm 2025, tập trung vào 7 nhóm giải pháp, gồm: Nhóm giải pháp thúc đẩy giải ngân đầu tư công, tăng cường khả năng hấp thụ vốn đầu tư; Nhóm giải pháp cải cách hành chính; triển khai thực hiện các quyền hạn đã được phân cấp, ủy quyền cho chính quyền TP; Nhóm giải pháp thúc đẩy chi tiêu công hiệu quả, đẩy mạnh kích cầu tiêu dùng và bình ổn thị trường; Nhóm giải pháp thúc đẩy hoạt động xuất nhập khẩu; Nhóm giải pháp bảo vệ môi trường, thúc đẩy các dự án phục vụ an sinh xã hội, mở rộng quỹ đất cho phát triển; Nhóm giải pháp thúc đẩy các động lực tăng trưởng mới; Nhóm giải pháp thúc đẩy ngoại giao kinh tế, đẩy mạnh hợp tác quốc tế.

Đề cập đến Chỉ thị nêu trên, Chủ tịch UBND TP. HCM Phan Văn Mãi cho biết, Chỉ thị này nối tiếp Văn bản 3843. Văn bản 3843 đề cập đến những trọng tâm nhiệm vụ để hoàn thành chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ TP lần thứ 11, còn Chỉ thị là thúc đẩy tăng trưởng từ động lực đầu tư, tiêu dùng, xuất khẩu.
Theo ông Mãi, khi Thành ủy TP. HCM sơ kết 6 tháng đã có nghị quyết và kết luận. Sau đó, UBND TP. HCM cũng có Văn bản số 3843 gửi thủ trưởng các sở, ngành, chủ tịch UBND các quận, huyện để cụ thể hóa các nội dung này. Tuy nhiên, đến nay, về cơ bản thì các sở, ngành chưa thực hiện. Chủ tịch UBND TP nhấn mạnh, các nghị quyết, kết luận nêu trên là những nhiệm vụ trọng tâm cần thực hiện từ nay đến hết nhiệm kỳ, các mục tiêu chính và giải pháp hoàn thành các chỉ tiêu. Do đó, các đơn vị cần rà soát lại để cụ thể hóa và thực hiện.
"Thành phố đã đề ra các mốc thời gian cho công việc nhưng sở này lấy ý kiến sở khác, mọi việc vẫn trôi đi. Chúng ta phải siết chặt kỷ cương trong công việc, đầu tiên là thành viên UBND TP. HCM, người đứng đầu các sở, ngành. Tôi đề nghị Văn phòng UBND Thành phố kiểm tra lại và có văn bản nhắc nhở lần một, nếu tiếp diễn thì sẽ phê bình các thủ trưởng", Chủ tịch UBND TP. HCM chỉ đạo.
Đối với nhiệm vụ từ nay đến cuối năm, Chủ tịch Phan Văn Mãi đề nghị, cần tập trung điều hành sao cho mục tiêu tăng trưởng năm 2024 của TP. HCM đạt ít nhất là 7,5%, thu ngân sách đạt chỉ tiêu được giao.
Để làm được điều này, ông yêu cầu chú trọng 3 nhóm động lực tăng trưởng gồm Đầu tư -Tiêu dùng và Xuất khẩu - Thu ngân sách. Trong đó, đối với động lực thứ nhất, cần tập trung vào công tác đầu tư công, tháo gỡ nhanh từng dự án, vướng mắc cụ thể, yêu cầu chủ đầu tư cam kết con số giải ngân hàng tháng.
Về động lực tiêu dùng – xuất khẩu, Sở Công Thương phối hợp hơn nữa cùng Sở Du lịch để triển khai mạnh các chương trình kích cầu du lịch, tiêu dùng. Đồng thời, tháo gỡ nhanh các vướng mắc, hoàn thiện cơ bản kế hoạch mua sắm công của năm 2024 trong quý III. Riêng Sở Công Thương, Ngân hàng Nhà nước, Hiệp hội Doanh nghiệp TP tập trung nghiên cứu biện pháp hỗ trợ xuất khẩu tăng trưởng mạnh hơn thông qua các gói tín dụng.
Thời gian tới, Chủ tịch UBND TP. HCM yêu cầu các Sở, Ban, ngành, đơn vị hoàn thiện các văn bản liên quan đến vấn đề triển khai 4 Luật có hiệu lực từ ngày 1/8 gồm Luật Đất đai, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản và Luật các tổ chức tín dụng sửa đổi. Khẩn trương hoàn thiện hồ sơ về Quy hoạch TP. HCM thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 và Quy hoạch chung TP. HCM đến năm 2040, tầm nhìn đến năm 2060. Tập trung theo dõi tiến độ phê duyệt đề án cao tốc TP. HCM – Mộc Bài; dự án Cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ, chuẩn bị hoàn thiện hồ sơ báo cáo Chính phủ về dự án Vành đai 4; đề án đường sắt đô thị; khung pháp lý, cơ chế cho trung tâm tài chính quốc tế.
Ghi nhận tín hiệu “ấm dần lên” từ các doanh nghiệp

Theo Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp TP. HCM Nguyễn Ngọc Hoà, tình hình hoạt động của các doanh nghiệp trong tháng 7 đang có tín hiệu “ấm dần lên”.
Lĩnh vực dệt may bắt đầu có đơn hàng trở lại, có khả năng kéo dài đến mùa cao điểm mua sắm cuối năm. Hoạt động chế biến, xuất khẩu nông sản ghi nhận sự phát triển tốt, tăng trưởng tương đối khá ở một số mặt hàng chủ lực như gạo, thuỷ sản, trái cây,...
Tuy nhiên, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp TP nhận định, sự phục hồi này đang diễn ra không đều ở các ngành hàng. Thực tế cho thấy, sức mua tại lĩnh vực kinh doanh vật liệu xây dựng, thương mại bán lẻ còn chậm, các doanh nghiệp FDI, doanh nghiệp có vốn lớn, ngành công nghệ cao có tốc độ tăng trưởng nhanh hơn các doanh nghiệp nhỏ và vừa.
Với việc các luật trong lĩnh vực bất động sản có hiệu lực cùng dự thảo bảng giá đất tại TP. HCM đang lấy ý kiến, các doanh nghiệp kỳ vọng thời gian tới sẽ giải quyết được một số điểm nghẽn trong hoạt động thuê đất, thế chấp vay vốn.
Ông Nguyễn Ngọc Hoà cũng cho biết, điều doanh nghiệp phấn khởi nhất trong tuần qua là UBND TP vừa ký quyết định về việc thực hiện chính sách hỗ trợ lãi suất đối với các dự án được Công ty Đầu tư Tài chính Nhà nước TP. HCM cho vay thuộc lĩnh vực ưu tiên phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn. Điều này được kỳ vọng sẽ tạo động lực mạnh mẽ cho các chủ đầu tư thực hiện các dự án đầu tư ưu tiên, góp phần thúc đẩy sự phát triển bền vững của TP.