Thông tin về các vấn đề kinh tế - xã hội và công tác phòng, chống dịch tại TPHCM đến ngày 6/7

Huỳnh Nhung - Huyền Mai - Linh Nhi 06/07/2023 18:05

(HMC) - Chiều 6/7, Ban chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 và phục hồi kinh tế TPHCM (Ban chỉ đạo) họp báo cung cấp thông tin về các vấn đề kinh tế - xã hội và công tác phòng chống dịch trên địa bàn TP tuần qua. Phó trưởng Ban Tuyên giáo Thành ủy, Phó trưởng Ban chỉ đạo Phạm Đức Hải chủ trì cuộc họp.

Tham dự họp báo có: Phó Giám đốc Sở LĐ,TB&XH Nguyễn Văn Lâm; Chánh văn phòng Sở Văn hóa và Thể thao Lâm Nguyễn Hoàng Anh; Phó Chánh văn phòng Sở Y tế Nguyễn Hải Nam; Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TPHCM (HCDC) Nguyễn Hồng Tâm; Trưởng phòng Quản lý Thương mại, Sở Công thương Ngô Hồng Y; Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ môi trường, Sở Tài nguyên và Môi trường Trần Minh Quân; Phó Giám đốc Trung tâm Quản lý hạ tầng kỹ thuật, Sở Xây dựng Đỗ Tấn Long; Phó Giám đốc Trung tâm Báo chí TP Nguyễn Văn Khanh; đại diện Sở Tài nguyên và Môi trường, UBND Quận 1, UBND phường Bến Nghé… cùng các phóng viên, biên tập viên các cơ quan báo chí trên địa bàn TPHCM.

Quang cảnh buổi họp. Ảnh: LINH NHI 

Hơn 82.000 lao động nghỉ việc trong 6 tháng đầu năm

Thông tin tại họp báo, Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội TP Nguyễn Văn Lâm cho biết, trong 6 tháng đầu năm 2023, Thành phố ghi nhận có 82.589 người lao động nghỉ việc làm hồ sơ đề nghị hưởng trợ cấp thất nghiệp, so với cùng kỳ tăng 5.066 người.

Ông Nguyễn Văn Lâm nhận định, có nhiều nguyên nhân người lao động nghỉ việc. Ảnh: LINH NHI 

Ông Nguyễn Văn Lâm nhận định, có nhiều nguyên nhân người lao động nghỉ việc, trong đó nguyên nhân chính do doanh nghiệp gặp khó khăn trong hoạt động sản xuất - kinh doanh dẫn đến giảm giờ làm, thiếu việc; giữa doanh nghiệp và người lao động tiến hành thỏa thuận chấm dứt hợp đồng lao động, hoặc doanh nghiệp không tiếp tục gia hạn hợp đồng lao động.

Thời gian qua, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội đã chỉ đạo Trung tâm Dịch vụ việc làm Thành phố tăng cường thu thập thông tin nhu cầu tuyển dụng lao động tại các doanh nghiệp có nhu cầu tuyển lao động để kết nối với người lao động. Bên cạnh trung tâm dịch vụ việc làm công lập, hệ thống các doanh nghiệp dịch vụ việc làm (130 doanh nghiệp) tham gia tư vấn, giới thiệu việc làm cho người lao động có nhu cầu tìm việc.

Đại diện Sở Lao động - Thương binh và Xã hội TP cũng cho biết, trong 6 tháng cuối năm, nhu cầu lao động vẫn tập trung cao ở khu vực thưong mại - dịch vụ (thương mại, vận tải kho bãi, công nghệ thông tin - truyền thông...) khoảng 90.000 lao động, chiếm tỉ lệ 64,57% trên tổng số nhu cầu.

Xây dựng các kịch bản ứng phó và phân tầng điều trị bệnh tay - chân - miệng

Thông tin về diễn biến bệnh sốt xuất huyết và tay chân miệng trên địa bàn, Giám đốc HCDC Nguyễn Hồng Tâm cho biết, trong 6 tháng đầu năm 2023, TPHCM ghi nhận 8.519 ca sốt xuất huyết, riêng tháng 6 là 758 ca (tăng 10% mỗi tuần). So với năm ngoái, số ca mắc sốt xuất huyết vẫn thấp hơn và chưa có ca tử vong.

Lãnh đạo HCDC khẳng định TP chưa có ca tử vong do TCM. Ảnh: LINH NHI 

“Chúng ta đang vào mùa sốt xuất huyết (từ tháng 7 - tháng 10) do đó người dân nên cẩn trọng, lưu ý các biện pháp phòng chống dịch”, ông khuyến cáo.

Theo giám sát của HCDC, các điểm có lăng quăng trên địa bàn còn khá nhiều, chiếm gần 50%. Vì vậy, người dân cần tránh để nước đọng tại nơi sinh hoạt, làm việc, thông tin đến ngành Y tế những điểm có nước đọng ngoài tầm xử lý (như các công trình xây dựng) thông qua ứng dụng “Y tế trực tuyến” để đơn vị có phương án xử lý.

Về bệnh tay chân miệng, tổng số ca mắc tính từ đầu năm đến nay là 4.500 ca, thấp hơn các năm gần đây và chưa có ca tử vong. Tuy nhiên, đáng lo ngại là sự xuất hiện của chủng EV71 đã từng gây dịch bệnh chết người tại TPHCM. Sở Y tế đã chỉ đạo các bệnh viện xây dựng các kịch bản ứng phó và phân tầng điều trị, lập các tổ chuyên gia điều trị bệnh. Định kỳ, ngành y tế TP sẽ hỗ trợ chuyên môn, kỹ thuật cho các bệnh viện tại TPHCM và các tỉnh phía Nam.

Triển khai nhiều biện pháp giải quyết ô nhiễm kênh, rạch

Liên quan đến các giải pháp đang được triển khai trên địa bàn TP để giải quyết vấn đề ô nhiễm kênh, rạch, Phó Giám đốc Trung tâm Quản lý hạ tầng kỹ thuật TP Đỗ Tấn Long cho biết, TP đã đầu tư vào việc xây dựng và nâng cấp hệ thống thoát nước để đảm bảo việc tiếp nhận và xử lý nước thải dễ dàng và hiệu quả. Điều này giúp giảm nguy cơ ô nhiễm từ nguồn nước thải trong quá trình xả vào kênh và rạch.

Phó Giám đốc Trung tâm Quản lý hạ tầng kỹ thuật Đỗ Tấn Long lý giải các nguyên nhân gây ngập trên địa bàn TP và nêu giải pháp thời gian tới. Ảnh: LINH NHI 

Sở Tài nguyên và Môi trường thường xuyên tăng cường kiểm tra và giám sát các nhà máy và cơ sở công nghiệp để đảm bảo quy trình xử lý nước thải đáp ứng các tiêu chuẩn môi trường. Yêu cầu các khu sản xuất, kinh doanh, dịch vụ tập trung, cụm công nghiệp, dự án đầu tư, cơ sở thuộc loại hình có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường, dự án đầu tư, cơ sở với lưu lượng xả nước thải lớn ra môi trường phải lắp đặt Trạm quan trắc nước thải tự động, liên tục theo quy định.

TP đã tăng cường quản lý và thu gom chất thải rắn từ các khu dân cư, doanh nghiệp và cơ sở công nghiệp. Điều này giúp giảm nguy cơ ô nhiễm kênh và rạch do chất thải rắn gây ra. Sở TN&MT cũng đã tổ chức giám sát trực tiếp chất lượng vệ sinh môi trường trên địa bàn. Trong đó, định kỳ và đột xuất kiểm tra các điểm tập kết rác thải, trạm trung chuyển, chất lượng vệ sinh đường phố, kênh rạch, việc giải quyết các điểm ô nhiễm về rác thải, quản lý nhà vệ sinh và thùng rác công cộng của quận, huyện.

Đồng thời, tiến hành thường xuyên các chiến dịch tuyên truyền và giáo dục cộng đồng như Ngày hội sống xanh, Chiến dịch làm cho thế giới sạch hơn…góp phần nâng cao ý thức của cộng đồng về bảo vệ môi trường và tầm quan trọng của việc giảm ô nhiễm kênh và rạch.

Thời gian qua, Sở TN&MT đã phối hợp cùng với Ban Dân vận Thành ủy TP.HCM cùng thực hiện giám sát công tác triển khai Chỉ thị số 19-CT/TU của Ban Thường vụ Thành ủy TP.HCM về Cuộc vận động “Người dân TP.HCM không xả rác ra đường và kênh rạch vì thành phố sạch và giảm ngập nước” (Chỉ thị 19) trên địa bàn các quận, huyện. Qua đó, góp phần tạo ra sự thay đổi trong hành vi và thực hiện các biện pháp bảo vệ môi trường trong đời sống hàng ngày.

BOX: Đến nay, tổng công suất xử lý nước thải sinh hoạt được xử lý là 193.350m3/ngày, tỷ lệ nước thải được xử lý là 12,6%. Hiện nhà máy Bình Hưng - Giai đoạn 2 (469.000m3/ngày) đã hoàn thành, hiện đang vận hành thử từ tháng 01/2023 đến tháng 4/2023. Dự kiến tỷ lệ nước thải đô thị được xử lý năm 2023 là 34%.  Dự kiến đến năm 2025, khi hoàn thành nhà máy xử lý nước thải Nhiêu Lộc - Thị Nghè (480.000m3/ngày) và xây dựng hoàn chỉnh hệ thống cống bao Tham Lương - Bến Cát phát huy công suất của nhà máy Tham Lương - Bến Cát (131.000m3/ngày), tỷ lệ nước thải đô thị được xử lý là 40,2%.

Đối với tuyến Tân Hóa - Lò Gốm002C đang thực hiện mời gọi đầu tư xây dựng hệ thống thu gom và 01 nhà máy xử lý nước thải chung cho 03 lưu vực gồm Tây Sài Gòn, Tân Hóa - Lò Gốm và Bình Tân và hiện nước thải sinh hoạt đã được thu gom bằng hệ thống cống dọc tuyến kênh Tân Hóa - Lò Gốm.

Xử lý nghiêm vi phạm trật tự đô thị tại khu vực trung tâm

Trả lời nội dung phóng viên quan tâm, ông Nguyễn Đức Thắng, Phó phòng Quản lý đô thị UBND Quận 1 cho biết, qua công tác tuần tra, các lực lượng chức năng địa phương đã phát hiện và xử lý các trường hợp taxi, xích lô, ăn xin, hàng rong chèo kéo, đeo bám, làm phiền du khách tại một số tuyến đường như: Nguyễn Huệ, Lê Lợi, Lê Lai, Lê Thánh Tôn, xung quanh Khách sạn New World, Nhà thờ Đức Bà, Bưu điện Thành phố, Trung tâm thương mại Diamond, Hội trường Dinh Thống Nhất, Chợ Bến Thành,...

Đại diện UBND Quận 1 trả lời câu hỏi của phóng viên. Ảnh: LINH NHI 

Đội trật tự đô thị của quận đã lập biên bản 984 trường hợp vi phạm trong lĩnh vực đô thị, môi trường; đề xuất xử phạt vi phạm hành chính với tổng số tiền hơn 1 tỷ đồng; tạm giữ 13.600 vật dụng, phương tiện các loại. Riêng trên tuyến phố đi bộ Nguyễn Huệ và khu vực công viên cảnh Bạch Đằng, UBND phường Bến Nghé đã xử lý vi phạm hành chính 271 trường hợp buôn bán hàng rong, đỗ xe trái phép với tổng số tiền phạt là 302.950.000 đồng; xử lý 212 xe máy vắng chủ, kéo di dời 25 xe ô tô đỗ trái phép và tạm giữ 5.839 tang vật dùng để bán hàng rong các loại.

Ngoài ra, phường còn thành lập các tổ tự quản từ lực lượng chi ủy, ban điều hành khu phố, tổ dân phố, thành viên Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể... để thực hiện công tác tuyên truyền vận động, kết hợp tuần tra nhắc nhở hàng đêm, hỗ trợ lực lượng chức năng trong công tác xử lý đảm bảo an ninh trật tự.

Trong 6 tháng cuối năm, Quận 1 sẽ tiếp tục đẩy nhanh tiến độ hoàn thiện “Đề án quản lý khu trung tâm”, “Đề án quản lý kinh tế đêm trên địa bàn Quận 1” trình UBND TP sớm triển khai thực hiện; tăng cường phối hợp các Sở, ngành xử lý các điểm nghẽn, nút thắt trong công tác quản lý trật tự đô thị, vệ sinh môi trường khu vực trung tâm Thành phố.

Nâng cao chất lượng môi trường nông thôn

Về việc nâng cao chất lượng môi trường nông thôn trên địa bàn TP, Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ môi trường, Sở Tài nguyên và Môi trường Trần Minh Quân cho hay, hiện toàn Thành phố đang có 1.920 điểm, công trình sạch, xanh, thân thiện môi trường; 198 điểm ô nhiễm chuyển hóa thành khu vực sinh hoạt cộng đồng như sân chơi thể thao, vườn hoa, công viên, khu sinh hoạt cộng đồng.

Ông Trần Minh Quân thông tin về các hoạt động trong lĩnh vực môi trường. Ảnh: LINH NHI 

Bên cạnh đó, Hội thi “xây dựng công trình sạch - xanh - thân thiện môi trường dựa vào cộng đồng dân cư lần 2 - năm 2023” đã nhận được sự tham gia hưởng ứng của cấp ủy, chính quyền, hệ thống Mặt trận và các tổ chức chính trị - xã hội các cấp, đặc biệt là sự chung tay, góp sức của người dân ở địa bàn dân cư. Qua 02 năm tổ chức, hội thi có 1.251 công trình sạch - xanh - thân thiện môi trường của hơn 300 đơn vị dự thi cấp quận, huyện, thành phố Thủ đức, trong đó có 88 sản phẩm công trình dự thi cấp Thành phố và có 71 sản phẩm đoạt giải, tổng trị giá giải thưởng 197 triệu đồng.

Sở Tài nguyên và Môi trường cũng đã phối hợp với Hội Nông dân thành phố tổ chức 08 lớp tập huấn cho các cán bộ, hội viên nông dân tại các quận huyện như Hóc Môn, Củ Chi, Cần Giờ, Nhà Bè, Bình Chánh, Bình Tân, quận 12 và TP Thủ Đức tuyên truyền về bảo vệ môi trường nông thôn trên địa bàn TP; phối hợp với Hội liên hiệp Phụ nữ, Hội Cựu chiến binh, Liên đoàn lao động TP tổ chức 3 lớp tập huấn tuyên truyền về Bảo vệ môi trường khu dân cư và nơi công cộng, Kiểm soát ô nhiễm môi trường do chất thải nhựa và túi nilông khó phân hủy, Triển khai các nội dung trọng tâm của Luật Bảo vệ môi trường năm 2020.

Hướng dẫn giải quyết tranh chấp khi trùng lặp tên gọi các cuộc thi hoa hậu

Chánh văn phòng Sở Văn hóa và Thể thao tại họp báo. Ảnh: LINH NHI 

Liên quan đến tranh chấp về tên gọi của một số cuộc thi hoa hậu, Chánh văn phòng Sở Văn hóa và Thể thao Lâm Ngô Hoàng Anh cho biết, Thanh tra Sở đã hướng dẫn đơn vị tổ chức gửi đơn đến Cục Bản quyền tác giả (Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch) để thẩm định, xác định hành vi xâm hại quyền tác giả đối với tác phẩm của công ty (đã được cấp phép, cấp giấy chứng nhận quyền tác giả theo quy định).

Được biết, thời gian qua, các cuộc thi hoa hậu liên tục vướng phải các tranh chấp khi trùng lặp tên gọi, gây hiểu nhầm cho người tổ chức lẫn công chúng.

    Nổi bật
        Mới nhất
        Thông tin về các vấn đề kinh tế - xã hội và công tác phòng, chống dịch tại TPHCM đến ngày 6/7
        POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO