TPHCM: Nâng cao ý thức của các tổ chức, cá nhân trong đảm bảo PCCC

25/05/2023 09:25

(HMC) - Chiều 24/5, UBND TPHCM tổ chức Hội nghị sơ kết 5 năm thực hiện Nghị quyết số 23/2017/NQ-HĐND ngày 7/12/2017 của HĐND TP quy định về xử lý các cơ sở trên địa bàn TPHCM không đảm bảo yêu cầu về phòng cháy chữa cháy được đưa vào sử dụng trước ngày Luật Phòng cháy chữa cháy số 27/2001/QH10 có hiệu lực. Qua đánh giá sơ bộ, Nghị quyết số 23 được triển khai bước đầu có kết quả, hầu hết các cá nhân, tổ chức thuộc diện điều chỉnh của Nghị quyết đều được phổ biến các nội dung liên quan đến phòng cháy chữa cháy.

Toàn cảnh Hội nghị

Tham dự hội nghị có Cục trưởng Cục Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy và Cứu nạn cứu hộ (PCCC&CNCH), Bộ Công an - Thiếu tướng Nguyễn Tuấn Anh; Phó Ban pháp chế HĐND TP - Nguyễn Văn Đạt; Phó Chủ tịch UBND TP - Ngô Minh Châu; Phó Giám đốc Công an TPHCM - Thiếu tướng Nguyễn Thanh Hưởng.

Đại tá Huỳnh Hữu Tâm - Trưởng Phòng Cảnh sát PCCC&CNCH, Công an TPHCM trình bày báo cáo sơ kết 5 năm thực hiện Nghị quyết số 23, Đại tá Huỳnh Hữu Tâm - Trưởng Phòng Cảnh sát PCCC&CNCH

Báo cáo sơ kết 5 năm thực hiện Nghị quyết số 23, Đại tá Huỳnh Hữu Tâm - Trưởng Phòng Cảnh sát PCCC&CNCH, Công an TPHCM cho biết, đến nay, ý thức, trách nhiệm của tổ chức, cá nhân đối với công tác đảm bảo an toàn phòng cháy và chữa cháy trong quá trình hoạt động, sản xuất, kinh doanh đã được nâng cao. Nhiều sai phạm được người dân kịp thời phát hiện, xử lý và khắc phục kịp thời, nhất là sơ hở, thiếu sót có thể dẫn đến cháy lan, cháy lớn. Lực lượng chức năng đã tiến hành kiểm tra 1.174 cơ sở, lập 2.256 biên bản, xử lý vi phạm hành chính 187 cơ sở với tổng số tiền hơn 440 triệu đồng.

Tính đến nay, UBND quận, huyện, TP Thủ Đức đã tiến hành điều tra, khảo sát đối với các đối tượng thuộc diện điều chỉnh của Nghị quyết số 23. Hầu hết các cơ sở đều được phổ biến, triển khai các yêu cầu về phòng cháy, chữa cháy quy định trong Nghị quyết. Từ khi triển khai Nghị quyết, đã có 401 doanh nghiệp, cơ sở chủ động cải tạo, sửa chữa, lắp đặt bổ sung các hệ thống phòng cháy, chữa cháy hoặc giảm quy mô, thay đổi công năng, tính chất hoạt động sao cho đảm bảo yêu cầu. Trong đó, có 39 đơn vị chủ động di dời đến địa điểm sản xuất, kinh doanh mới.

Tuy nhiên quá trình thực hiện Nghị quyết vẫn gặp một số hạn chế. Cụ thể, đến nay chỉ có 34,2% số cơ sở chủ động cải tạo, sửa chữa, lắp đặt bổ sung các hệ thống phòng cháy chữa cháy hoặc giảm quy mô, thay đổi công năng hoạt động và tự nguyện di dời. Bên cạnh những vấn đề khó khăn do yếu tố khách quan (nguồn kinh phí, dịch bệnh COVID-19, địa điểm di dời, chế độ người lao động,…) vẫn còn một số sở, ngành, chính quyền địa phương và cơ sở, doanh nghiệp chưa thật sự chủ động, triển khai quyết liệt các nội dung, giải pháp đã được TP phân công; công tác phối hợp xử lý chưa đồng bộ, chặt chẽ.

Trao bằng khen cho các tập thể có thành tích xuất sắc trong việc thực hiện Nghị quyết số 23/2017NQ-HĐND

Tại Hội nghị, đại diện UBND quận 1, quận 5, quận Tân Bình, huyện Bình Chánh và TP Thủ Đức đã trình bày một số bài học kinh nghiệm, thực trạng, giải pháp tổ chức triển khai thực hiện đối với những cơ sở không đảm bảo yêu cầu về phòng cháy và chữa cháy được đưa vào sử dụng trước ngày Luật Phòng cháy chữa cháy số 27/2001/QH10 có hiệu lực. Trước những phát biểu trên, Phó Chủ tịch UBND TP Ngô Minh Châu nhận định, công tác chỉ đạo triển khai thực hiện Nghị quyết số 23 đã được lãnh đạo các sở, ban, ngành, quận, huyện và các tổ chức, được cơ quan doanh nghiệp thực hiện một cách nghiêm túc, góp phần nâng cao nhận thức về trách nhiệm và ý thức chấp hành pháp luật về PCCC&CNCH trong đại bộ phận cán bộ, doanh nghiệp và người dân TP.

Phó Chủ tịch UBND TP Ngô Minh Châu phát biểu tại Hội nghị

Bên cạnh những kết quả đã đạt được, Phó Chủ tịch UBND TP chỉ ra thực trạng cấp ủy, chính quyền một số địa phương chưa thật sự quan tâm, chỉ đạo thực hiện quyết liệt các nội dung đã được phân công nhiệm vụ trong kế hoạch triển khai Nghị quyết số 23, dẫn đến chậm trễ tiến độ thực hiện và hiệu quả thực hiện chưa cao. Ngoài ra, cơ quan được giao nhiệm vụ điều tra khảo sát, đánh giá, phân loại, tổng hợp, theo dõi, hướng dẫn, đôn đốc, tham mưu cho UBND các quận, huyện là Công an các địa phương chưa thực sự trách nhiệm, quyết liệt, sâu sát và thường xuyên.

Từ đó, ông đề nghị Công an TP chủ trì, phối hợp với các Sở, ngành, đơn vị có liên quan tiếp tục tham mưu cho UBND TPHCM triển khai các nội dung chưa thực hiện của Nghị quyết số 23. Tập trung nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước về PCCC&CNCH; tăng cường thanh tra, kiểm tra để khắc phục, bổ sung các điều kiện an toàn phòng cháy, chữa cháy, nhất là đối với các cơ sở không đảm bảo yêu cầu về phòng cháy và chữa cháy được đưa vào sử dụng trước ngày Luật Phòng cháy và Chữa cháy số 27/2001/QH10 có hiệu lực. Cùng với đó, đẩy mạnh hoạt động tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật, kiến thức về PCCC&CNCH nhằm nâng cao trách nhiệm người đứng đầu cơ quan, tổ chức. Từ đó, làm cho mọi người dân, mọi cán bộ, công nhân viên hiểu và tự giác thực hiện các quy định của nhà nước về vấn đề này.

Thiếu tướng Nguyễn Tuấn Anh phát biểu tại Hội nghị

Tại Hội nghị, Cục trưởng Cục Cảnh sát PCCC&CNCH Nguyễn Tuấn Anh cũng chỉ ra 2 vấn đề cần quan tâm trong thực hiện Nghị quyết 23. Thứ nhất, việc khảo sát, đánh giá các cơ sở thuộc diện điều chỉnh tại một số địa phương chưa được thực hiện kĩ càng. Thứ hai, nhiều địa phương khi thực hiện Nghị quyết quá bám sát với quy chuẩn, dẫn đến triển khai cứng nhắc.

Do đó, Thiếu tướng Nguyễn Tuấn Anh đề xuất, cơ quan chức năng cần nghiên cứu tham mưu HĐND TP chỉnh sửa Nghị quyết nhằm tháo gỡ cho các doanh nghiệp, tổ chức. Có thể rà soát, phân loại các cơ sở theo từng nhóm vi phạm và có giải pháp phù hợp. Đồng thời, triển khai mô hình mỗi gia đình có một bình chữa cháy, mỗi hộ gia đình cũng được lắp đặt 1 chuông báo cháy tại tầng 1 tòa nhà phòng khi có sự cố cháy, nổ xảy ra.

    Nổi bật
        Mới nhất
        TPHCM: Nâng cao ý thức của các tổ chức, cá nhân trong đảm bảo PCCC
        POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO