TPHCM phát triển giao thông xanh, hướng đến tín chỉ carbon
TPHCM đẩy mạnh chuyển đổi giao thông sang năng lượng xanh, không chỉ giảm ô nhiễm và nâng cao chất lượng sống, mà còn khai thác tiềm năng tín chỉ carbon, mang lại nguồn thu bền vững cho thành phố.

Định hướng phát triển giao thông xanh
TPHCM hiện quản lý hơn 9,4 triệu phương tiện giao thông, trong đó có khoảng 980.000 xe ôtô và hơn 8,4 triệu xe máy, phần lớn sử dụng nhiên liệu hóa thạch. Hoạt động giao thông mỗi năm phát thải hơn 13 triệu tấn CO2, đứng thứ hai sau ngành công nghiệp với gần 20 triệu tấn CO2.
Trước thách thức này, thành phố đã xây dựng chương trình giảm ô nhiễm giai đoạn 2020-2030. Một trong những mục tiêu quan trọng là giảm 90% lượng ô nhiễm không khí tăng thêm từ giao thông vào năm 2030.
Chương trình giảm ô nhiễm của TPHCM đặc biệt chú trọng khuyến khích chuyển đổi năng lượng xanh nhằm tạo tín chỉ carbon. Thành phố đang có nhiều mô hình giao thông thân thiện môi trường như xe buýt điện, xe đạp chia sẻ TNGo, dịch vụ gọi xe điện Xanh SM (sử dụng xe máy và ôtô điện)…
Hệ thống xe buýt xanh đang dần trở thành xương sống trong chiến lược này. Theo ông Trần Quang Lâm - Giám đốc Sở Giao thông Vận tải (GTVT) TPHCM, đến nay, thành phố đã đưa vào vận hành hơn 500 xe buýt sử dụng năng lượng sạch, chiếm khoảng 25% tổng số xe buýt (2.200 xe). Giai đoạn 2025-2030, thành phố dự kiến triển khai thêm 2.771 xe buýt điện, trong đó 1.663 xe sẽ thay thế phương tiện cũ, còn 1.108 xe được đầu tư mới cho các tuyến mở rộng.
Đáng chú ý, tuyến xe buýt điện D4 của VinBus sau hơn 2 năm vận hành thí điểm đã nhận được phản hồi tích cực từ người dân nhờ thiết kế hiện đại, thân thiện môi trường và nhiều tiện ích.
TS Trương Minh Huy Vũ - Viện Nghiên cứu phát triển TPHCM - nhận định, TPHCM có nhiều cơ hội phát triển thị trường tín chỉ carbon nhờ ưu tiên các lĩnh vực: Triển khai xe buýt điện, phát triển xe giao hàng chạy điện và xây dựng hệ thống metro.
Theo kế hoạch, TPHCM sẽ hoàn thiện 7 tuyến metro với tổng chiều dài 355km vào năm 2035, mở ra cơ hội lớn để tạo nguồn tín chỉ carbon từ giao thông công cộng. Tuyến metro số 1, dự kiến vận hành vào ngày 22.12, sẽ là bước khởi đầu quan trọng. Thành phố cũng triển khai hàng nghìn taxi điện và xe máy điện phục vụ giao hàng, giảm thiểu lượng phát thải từ các phương tiện cá nhân.
Nghị quyết 98 về thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TPHCM, thành phố được thí điểm trao đổi, bù trừ tín chỉ carbon và hưởng toàn bộ nguồn thu từ giao dịch này. Khoản thu này sẽ được sử dụng để đầu tư vào các chương trình ứng phó biến đổi khí hậu, phát triển kinh tế xanh và tuần hoàn.
TS Trần Du Lịch - thành viên Hội đồng Tư vấn triển khai Nghị quyết 98 - cho rằng, đây là cơ sở để TPHCM đẩy nhanh thực hiện lộ trình bán tín chỉ carbon. Ông Lịch đề xuất 8 giải pháp để hiện thực hóa chương trình này, bao gồm: phát triển hệ thống metro, giao thông công cộng năng lượng xanh; có chính sách giảm thuế, hỗ trợ người dân, doanh nghiệp chuyển đổi phương tiện; tối ưu hóa giao thông đô thị, giảm ùn tắc giao thông; thay thế nhiên liệu cũ bằng CNG, điện; xây dựng hệ thống giao thông thông minh…
Chung tay phát triển hạ tầng giao thông xanh
Để hỗ trợ giao thông xanh, TPHCM đang có thêm nhiều giải pháp mạnh mẽ để khuyến khích đầu tư, phát triển hạ tầng. Hiện thành phố đã xây dựng đề án phát triển giao thông xanh giai đoạn 1, trong đó có chính sách hỗ trợ mạnh mẽ để khuyến khích đầu tư.
Theo ông Trần Quang Lâm, Sở GTVT TPHCM đề xuất chính sách cho vay vốn ưu đãi, hỗ trợ 85% chi phí đầu tư phương tiện, với lãi suất chỉ 3%/năm trong 7 năm. Đây là mức ưu đãi lớn nhất từ trước đến nay trong lĩnh vực giao thông công cộng.
TPHCM dự kiến đầu tư hơn 1.347 tỉ đồng từ ngân sách để xây dựng 17 trạm sạc điện tại các bến xe lớn như Miền Đông mới, Miền Tây và An Sương. Tổng Công ty cơ khí GTVT Sài Gòn (Samco) cũng sẽ góp vốn hơn 888 tỉ đồng để phát triển các trạm sạc.
Để đạt được mục tiêu giao thông xanh, TPHCM còn khuyến khích tư nhân tham gia xây dựng trạm sạc điện.
Với chính sách mới, nhà đầu tư sẽ được hỗ trợ lãi suất vay vốn lên tới 50% mức lãi suất công bố của Công ty Đầu tư tài chính nhà nước TPHCM trong suốt thời hạn vay. “Chiến lược này không chỉ thúc đẩy sự tham gia của các doanh nghiệp mà còn tạo nền tảng vững chắc cho hệ thống giao thông xanh của thành phố” - ông Lâm nói.